Giải pháp nào cho thoát nước ở Việt Nam?

Trước tỷ lệ đô thị hóa đang ngày càng tăng, việc lấn chiếm kênh rạch làm thu hẹp dòng chảy ở các đô thị lớn dẫn tới tình trạng mưa là ngập, các cơ quan quản lý nhà nước đang nỗ lực tìm mọi giải pháp để giải quyết bài toán thoát nước tại các đô thị.

Thực trạng

Cả nước hiện có 30 nhà máy xử lý nước thải đã đi vào vận hành với công suất thiết kế 860 nghìn m3/ngđ. Tỷ lệ thu gom nước thải qua các trạm xử lý tập trung mới chỉ đạt 12%. Hiện có 40 nhà máy đang trong quá trình thiết kế và xây dựng với công suất công suất 1,6 triệu m3/ngđ. 90% các KCN có hệ thống xử lý nước thải. Đặc biệt, 5.000 làng nghề trên cả nước hầu như không có hệ thống xử lý nước thải. Tỷ lệ bao phủ dịch vụ thoát nước cả nước đạt 65%, thiếu hụt phần lớn mạng cấp 3 và đấu nối các hộ xả thải. Các đơn vị thực hiện dịch vụ chủ yếu là các DN công ích, phụ thuộc ngân sách Nhà nước.

Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu cũng đang ngày càng trở thành những thách thức rất lớn đối với công tác quy hoạch đô thị và xây dựng các hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nhất là ở các đô thị ven biển. Biến đổi khí hậu còn dẫn đến những hệ quả như lượng mưa tăng, chế độ thủy văn đô thị trái với quy luật tự nhiên ảnh hưởng lớn đến việc thu gom và tiêu thoát nước thải, nước bề mặt.

Giải pháp

Với tốc độ gia tăng dân số khoảng gần 2%/năm, đến năm 2020 dân số đô thị tăng khoảng 44 triệu người, từ đó gây áp lực lớn cho ngành nước. Do nhu cầu đầu tư lớn, song xu thế vốn ODA giảm dần, ngân sách ngày càng hạn hẹp. Theo số liệu từ Bộ Xây dựng nhu cầu đầu tư cho ngành nước trong 5 năm tới cần khoảng 10 tỷ USD, trong đó lĩnh vực thoát nước là 6,9 tỷ USD.

Ông Nguyễn Hồng Tiến – Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho biết, định hướng phát triển thoát nước đô thị đến năm 2020 cần mở rộng phạm vi phục vụ của hệ thống thoát nước đô thị đạt trung bình trên 70% diện tích bao phủ dịch vụ. 15 – 20% tổng lượng nước thải tại các đô thị được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra môi trường. 100% nước thải bệnh viện và nước thải các KCN được xử lý đạt tiêu chuẩn, 30 – 50% lượng nước thải các làng nghề được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả vào hệ thống thoát nước đô thị hoặc xả ra môi trường. Riêng hệ thống thoát nước mưa và chống ngập úng đô thị cần mở rộng phạm vi phục vụ của các hệ thống tại các đô thị đạt trung bình trên 70% phù hợp với cao độ nền và thoát nước mặt. 100% các tuyến đường chính trong đô thị, các tuyến đường nằm trong các khu đô thị, khu dân cư đều có hệ thống thoát nước mưa. Giảm 50% tình trạng ngập úng trong mùa mưa ở các đô thị loại II trở lên. Tất cả các tỉnh thành phải ban hành và tổ chức thực hiện quy định quản lý thoát nước địa phương và giá dịch vụ thoát nước.

Do nhu cầu lớn nên cần đầu tư phát triển công suất hệ thống thu gom và xử lý nước thải khoảng 138 nghìn tỷ đồng (gần 6,3 tỷ USD). Cùng đó là nhu cầu đầu tư thoát nước thải giai đoạn 2016 – 2020 khoảng 153 nghìn tỷ đồng (6,9 tỷ USD), bình quân mỗi năm cần 31 nghìn tỷ đồng (gần 1,1 tỷ USD).

Theo các chuyên gia, trong lĩnh vực thoát nước cần tùy điều kiện cụ thể, thoát nước và xử lý nước thải phân tán, hay thoát nước bề mặt bền vững cho phép áp dụng linh hoạt các giải pháp công nghệ khác nhau. Các giải pháp được đề xuất là: Quản lý nước thải phân tán, với các công nghệ thoát nước và xử lý nước thải chi phí thấp, quản lý nước bề mặt bền vững theo phương thức tự nhiên – thoát chậm, lồng ghép thoát nước bề mặt với quản lý nước thải, rác thải, bùn cặn và cấp nước.

Đối với các khu vực trong đô thị hiện có vẫn sử dụng hệ thống cống thoát nước chung, với các tuyến cống bao thu gom các loại nước thải và nước mưa đợt đầu, không cho chảy trực tiếp vào sông, hồ, kênh mương mà dẫn bằng các tuyến cống chính về các trạm xử lý nước thải. Trên các tuyến cống chính này, gần nguồn tiếp nhận, để giảm chi phí vận chuyển và xử lý nước thải, bố trí các giếng tràn tách hỗn hợp nước mưa đợt sau và một phần nước thải đã được pha loãng, tràn qua đập tràn chảy ra nguồn tiếp nhận. Tùy theo điều kiện tự nhiên, mật độ dân cư, quỹ đất, nhu cầu tái sử dụng nước thải… mà có thể áp dụng mô hình thoát nước tập trung hay phân tán, với công nghệ hiện đại hay chi phí thấp.

Để có thể thực hiện được quản lý nước thải bền vững cho các khu đô thị, chủ đầu tư phải nhận thức được tầm quan trọng của công tác quản lý nước thải đối với sức khỏe cộng đồng, môi trường sinh thái, lợi ích lâu dài trong kinh doanh. Bên cạnh đó, cần thiết xem xét, điều chỉnh, cập nhật, bổ sung các tiêu chuẩn thiết kế thoát nước cho phù hợp với điều kiện Việt Nam, đặc biệt là để ứng phó với biến đổi khí hậu. Áp dụng triệt để phương thức tiếp cận tổng hợp, quản lý theo lưu vực. Thoát nước, xử lý nước thải, cũng như các vấn đề hạ tầng kỹ thuật đô thị khác, cần được giải quyết một cách đồng bộ, và càng lồng ghép sớm từ khâu quy hoạch.

Nguồn: baoxaydung.com.vn