Ngày 29/11 tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo ngành Nước với chủ đề “Tình hình cổ phần hoá ngành Nước – Kết quả nghiên cứu và khuyến nghị”. Tham gia Hội thảo có ông Cao Lại Quang – Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam VWSA, ông Nguyễn Tiến Thoả – Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính và đại diện các Bộ, ban, ngành cùng các đối tác hợp tác phát triển.
Toàn cảnh Hội thảo
Cổ phần hoá (CPH) doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) nói chung và CPH các doanh nghiệp (DN) cấp thoát nước nói riêng là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là khâu trọng tâm trong quá trình cải cách, tái cơ cấu DNNN nhằm tạo ra các điều kiện để khai thác, huy động và sử dụng các nguồn lực của xã hội hợp lý tạo nên những động lực mới thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả nhất, nâng cao sức cạnh tranh, tồn tại và phát triển bền vững trong cơ chế kinh tế thị trường.
Ông Nguyễn Tiến Thoả – Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết: Các DN đã CPH tiếp tục thực hiện kế hoạch thoái vốn Nhà nước giai đoạn 2017 – 2020 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Ông cũng đưa ra thực trạng kết quả thực hiện CPH đối với từng lĩnh vực cấp nước và thoát nước.
Đối với lĩnh vực cấp nước đô thị, tính đến tháng 9/2017, cả nước có 111 DN sản xuất, cung ứng nước sạch cho các đô thị với tổng công suất thiết kế của các nhà máy đạt trên 8,5 triệu m3/ngày-đêm. Các Cty cấp nước đã bắt đầu tiến hành CPH từ năm 2005 và đến nay chỉ còn khoảng 10 Cty cấp nước (trong đó có 2 Cty cấp nước lớn là SAWACO và HAWACOM chưa tiến hành CPH toàn bộ). Sau khi CPH, có 6 Cty Nhà nước không còn nắm giữ cổ phần nào (Nhà nước thoái vốn 100%), số còn lại do một số Cty nắm giữ, thậm chí là nắm giữ 90%, một số Cty đã có nhà đầu tư nước ngoài tham gia. Ví dụ: Cty CP BOO Nhà máy nước Thủ Đức, nhà đầu tư Manila Water đã năm giữ 49% CP; Cty CP cấp nước Kinh Đông, Manila Water đã mua lại 47% CP…
Đối với lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải đô thị, tính đến tháng 9/2017 có 71 DN đảm nhiệm lĩnh vực thoát nước, 69 nhà máy xử lý nước thải đô thị với tổng công suất 2.315.150 m3/ngày-đêm. Các DN trong lĩnh vực thoát nước tiến hành CPH muộn hơn nhiều năm và có điều kiện khó khăn hơn so với lĩnh vực cấp nước, nhất là về kinh phí hoạt động.
Bên cạnh những thành công trong quá trình CPH, sản xuất kinh doanh sau CPH có những chuyển biến tích cực, nhiều chỉ tiêu có tốc độ tăng trưởng cao hơn so với khi chưa CPH. Tuy nhiên, cũng gặp phải không ít khó khăn cụ thể, việc thu hút các nhà đầu tư chiến lược chưa thuận lợi; quy định khống chế mức chi phí bằng tiền để thực hiện CPH hiện nay còn cứng nhắc; giá tiêu thụ nước sạch, giá dịch vụ thoát nước chưa phù hợp…
Với kết quả khảo sát có thể đánh giá một cách tổng quát là CPH DNNN nói chung, các DN cấp thoát nước nói riêng là một chu trương đúng đắn, phù hợp với đòi hỏi khách quan của nên kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Nó đã tạo ra động lực cho sản xuất – kinh doanh, đổi mới cơ chế quản lý tại DN, tăng cường quản trị theo phương thức hiện đại, tạo ra sự chủ động của DN, tạo môi trường hoạt động cho DN theo quy luật kinh tế, mang lại hiệu quả đích thực cho các chủ thế kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực này.
Hội thảo lắng nghe nhiều ý kiến đóng góp của lãnh đạo các công ty, các tỉnh Bình Dương, Bắc Ninh, Ninh Bình, Thái Bình… Các DN mong muốn Nhà nước cần có những quy định riêng để đáp ứng được yêu cầu thoái vốn đồng thời đảm bảo các yêu cầu an sinh xã hội.
Kết luận Hội thảo, ông Cao Lại Quang – Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch VWSA ghi nhận những đóng tích cực của các đại biểu đối với các DNNN nói chung và các doanh nghiệp.
Nguồn: baoxaydung