Giãi bày của Giám đốc Sở Tài nguyên trước dòng sông Cầu “giãy chết”

“Tôi mong muốn Báo Dân trí đưa thông tin thế nào để tỉnh Bắc Ninh phải vào cuộc. Họ phải chấm dứt được đầu nguồn gây ô nhiễm mới cứu được sông Cầu”, Giám đốc Sở T&MT Bắc Giang xót xa bày tỏ.

Trước đó, lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và Tổng cục Môi trường đã có buổi làm việc, xác định mức độ ô nhiễm nước dòng sông Cầu và thống nhất xác định nguồn gây ô nhiễm chính nước sông Cầu khu vực giáp ranh giữa tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bắc Giang là từ sông Ngũ Huyện Khê.

Nguồn gây ô nhiễm chính nước sông Cầu khu vực giáp ranh giữa tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bắc Giang được xác định là từ sông Ngũ Huyện Khê.

Theo đó, ngày 5/9/2018 tại trụ sở UBND tỉnh Bắc Ninh, các cơ quan chuyên môn tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và Bộ Tài nguyên và Môi trường thống nhất xác định nguồn thải từ sông Ngũ Huyện Khê (Bắc Ninh) là nguyên nhân chính gây ô nhiễm sông Cầu đoạn giáp ranh giữa tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Các cơ quan chức năng xác định song Ngũ Huyện Khê tiếp nhận nước thải trực tiếp từ hoạt động làng nghề Phong Khê và cụm công nghiệp Phú Lâm với lưu lượng khoảng 10.000m3/ngày đêm. Trong khi đó, nhà máy xử lý nước thải xử lý chỉ có công suất 5.000m3/ngày đêm và chưa có hệ thống đấu nối thu gom nước thải đồng bộ.

Trước thực trạng ô nhiễm sông Cầu ở mức cực kỳ đáng báo động, ngày 6/2, PV Dân trí đã có buổi làm việc với Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang.

Ông Lưu Xuân Vượng – Giám đốc Sở này bày tỏ nỗi đau xót về tình hình: “Tình trạng sông Cầu đang “giãy chết” là một trong các nội dung tôi rất quan tâm. Thực tế là họp UBND tỉnh cũng đã kiểm điểm về việc này. Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Giang cũng đưa vấn đề ô nhiễm môi trường sông Cầu ra trao đổi. Nếu như nguyên nhân gây ra tình trạng này nằm tại tỉnh Bắc Giang thì chúng tôi đã xử lý dứt điểm ngay chứ không để đến bây giờ. Tỉnh Bắc Giang đang là nạn nhân của việc này. Từ HĐND, Tỉnh uỷ, UBND, Sở TN&MT Bắc Giang đều có văn bản kiến nghị tới Bộ TN&MT và đều có văn bản trao đổi với phía bên Bắc Ninh.

Giám đốc Sở TN&MT Bắc Giang Lưu Xuân Vượng bày tỏ nhiều “góc khuất” trong việc giải cứu sông Cầu.

Từ đó, Bộ TN&MT mới thành lập đoàn giám sát về làm việc tại Bắc Ninh vào năm ngoái. Nguyên nhân gây bức tử sông Cầu đã được chỉ rõ từ sông Ngũ Huyện Khê (Bắc Ninh) đổ ra. Mà ngay bản thân tôi, mỗi lần đi qua khu vực đó trực quan đã thấy tình trạng quá nguy hiểm

Tỉnh Bắc Giang là nạn nhân và Sở TN&MT Bắc Giang cũng là nạn nhân. UBND tỉnh Bắc Giang truy Sở tôi rằng đã làm hết trách nhiệm chưa? Chúng tôi đã làm nhiều cách, từ gửi công văn đến trực tiếp sang trao đổi với tỉnh Bắc Ninh. Thế nhưng để xử lý triệt để được thì phải bên Bắc Ninh thực hiện.

Tôi cũng mong muốn các cơ quan truyền thông đưa thông tin thế nào để tỉnh Bắc Ninh vào cuộc. Họ làm sao phải chấm dứt được đầu nguồn gây ô nhiễm bằng cách di dời, chuyển đổi những khu vực tái chế phế liệu đang ngày đêm xả thải ra sông Cầu. Việc này tồn tại lâu như vậy, rõ như vậy mà tại sao họ lại không có giải pháp gì? Hay họ có giải pháp mà chúng tôi không biết?

Tới đây, Sở TN&MT Bắc Giang sẽ tiếp tục có những buổi làm việc và trao đổi với phía tỉnh Bắc Ninh về vấn đề này.

“Họ gây ô nhiễm môi trường đến tận cửa nhà mình rồi. Người dân mình bị ảnh hưởng rồi thế các ông không có cách gì à?”, có người hỏi chúng tôi như thế. Và họ hỏi đúng nhưng chúng tôi đã làm hết cách của chúng tôi rồi. Thật đau xót. Nhưng gây ô nhiễm từ CCN Phú Lâm, từ dòng Ngũ Huyện Khê tại tỉnh Bắc Ninh thì chúng tôi không có thẩm quyền xử lý”.

Cá thường xuyên chết trắng sông Cầu

Cụm công nghiệp Phú Lâm, một trong những “thủ phạm” bức tử sông Cầu.

Dù nguyên nhân gây ô nhiễm sông Cầu đã được Bộ TN&MT chỉ rõ, UBND tỉnh Bắc Giang đã nhiều lần có các cuộc làm việc với UBND tỉnh Bắc Ninh và các sở ngành liên quan nhưng sự việc vẫn chưa được giải quyết. Bởi vậy, nhiều năm sau kết luận, người dân vẫn khản giọng kêu cứu, cá vẫn chết trắng và dòng sông giờ đang trong tình trạng “giãy chết”.

Mới đây nhất, từ đơn thư kêu cứu của người dân gửi về tòa soạn, PV Dân trí đã trực tiếp ghi nhận và “mục sở thị” mức độ ô nhiễm khủng khiếp tại sông Cầu đoạn qua địa bàn tỉnh Bắc Giang. Điều xác thực nhất mà không cần phải chứng minh mức độ ô nhiễm sông Cầu tại đây là cá chết la liệt, chết hàng đàn, chết dạt trắng cả hai bên bờ sông.

Những người dân sinh sống tại gần bờ sông hãi hùng cho biết: Ông bà, cha mẹ chúng tôi đã sinh sống, mưu sinh và gắn bó với dòng sông Cầu này hàng trăm năm. Thế nhưng, chưa bao giờ chúng tôi thấy xảy ra tình trạng cứ một thời gian cá lại chết dạt trắng vào hai bên bờ như thế này. Nhìn mà đau lòng, xót xa quá. Đây phải nói là dòng sông đã chết chứ không còn là đang chết nữa. Rồi mai đây, con cháu chúng tôi làm sao mà sinh sống, mưu sinh bên dòng sông này nữa.

Điều đáng nói là dòng sông Cầu không chỉ là nơi cung cấp tôm cá cho những người dân trực tiếp mưu sinh hai bên bờ mà nó còn là nguồn cung cấp nước sinh hoạt, tưới tiêu và canh tác cho hàng vạn, hàng triệu người dân từ thượng nguồn xuống tận vùng hạ lưu.

Theo Dân trí