Đoàn giám sát Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường Quốc hội giám sát công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố

Sáng 22/8, Đoàn giám sát Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường Quốc hội do đồng chí Trần Văn Minh,  Phó Chủ nhiệm Ủy ban làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND thành phố về việc thực hiện chính sách, pháp luật bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất giấy và nhà máy xử lý nước thải tại phường Phong Khê.

Tiếp đoàn có các đồng chí: Nguyễn Hữu Thành, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Thị Hằng, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Trần Đức Điện, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Nguyễn Văn Hiếu, Phó Chủ tịch UBND thành phố; lãnh đạo một số Sở, ngành của tỉnh và các phòng, ban, đơn vị, địa phương của thành phố có liên quan.

Đồng chí Trần Văn Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban khoa học công nghệ và môi trường Quốc hội

Hiện nay, trên địa bàn phường Phong Khê có 212 cơ sở sản xuất giấy, công suất ước đạt 250.000 tấn, đem lại giá trị khoảng 1.300 tỷ đồng. Trung bình 1 ngày đêm, làng nghề Phong Khê xả ra hơn11.000 m3 nước thải, gây ô nhiễm trầm trọng nguồn nước và không khí cho địa phương và những khu vực lân cận. Trước thực trạng trên, thời gian qua, thành phố luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao đối với công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực môi trường làng nghề và các cụm công nghiệp tại Phong Khê. Chỉ đạo các phòng, ban, cơ quan chuyên môn thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý kiên quyết đối với các trường hợp cố tình vi phạm. Thành lập các tổ chốt chặn 24/24h kiểm soát  xe vận chuyển rác công nghiệp. Yêu cầu các cơ sở cải tiến công nghệ, máy móc, xây dựng hệ thống xử lý khí thải… Từ năm 2015 – 2017, các cơ quan chuyên môn và lực lượng chức năng thành phố đã tiến hành kiểm tra 225 cơ sở sản xuất giấy có biểu hiện sử dụng rác thải công nghiệp để đốt lò hơi; phát hiện 107 cơ sở vi phạm, thu giữ và tiêu hủy hơn 600 tấn rác thải công nghiệp; xử phạt vị phạm hành chính với tổng số tiền hơn 2,5 tỷ đồng. Trong 8 tháng đầu năm 2018, đã kiểm tra, xử lý 27 trường hợp có hành vi xả khí thải, nước thải vượt quy chuẩn ra môi trường với tổng số tiền gần 700 triệu đồng.

Đối với nhà máy xử lý nước thải Phong Khê giai đoạn 1 có công suất xử lý 5.000 m3/ngày đêm, công nghệ xử lý theo phương pháp keo tụ kết hợp hệ thống xử lý sinh học, lọc hấp thụ và hồ sinh học. Từ ngày 17/3/2017, UBND thành phố đã bàn giao tạm thời cho Công ty Cổ phần thoát nước và xử lý nước thải Bắc Ninh để đưa nhà máy vào vận hành sử dụng; đồng thời ký hợp đồng dịch vụ xử lý nước thải với 111 cơ sở sản xuất tại phường Phong Khê theo quy định.

Sau khi đi kiểm tra thực tế tình hình ô nhiễm môi trường tại phường Phong Khê, tại buổi làm việc, các đại biểu đã trao đổi, làm rõ một số vấn đề liên quan đến lưu lượng xả thải tại làng nghề Phong Khê, tiêu chuẩn nước đầu ra của nhà máy xử lý nước thải, chính sách chuyển đổi nghề cho nhân dân, biện pháp xử lý tình trạng ô nhiễm không khí và rác thải công nghiệp đốt lò hơi, công tác đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lao động, hệ thống giao thông và thoát nước xuống cấp gây khó khăn cho việc xử lý ô nhiễm môi trường…

Đoàn công tác giám sát hoạt động của Nhà máy xử lý nước thải Phong Khê (TP Bắc Ninh).

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Trần Văn Minh,  Phó Chủ nhiệm Ủy ban khoa học công nghệ và môi trường Quốc hội, trưởng đoàn giám sát ghi nhận, đánh giá cao công tác bảo vệ môi trường của thành phố Bắc Ninh trong thời gian qua. Đồng chí cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế và yêu cầu trong thời gian trước mắt, UBND thành phố tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực môi trường tại các làng nghề và cụm công nghiệp, thực hiện tốt các chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, thường xuyên kiểm tra, xử lý kiên quyết , dứt điểm những cơ sở cố tình vi phạm, không để tình trạng này tiếp tục tái diễn và kéo dài gây ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân cũng như sự phát triển bền vững của tỉnh, thành phố. Về giải pháp lâu dài, thành phố Bắc Ninh cần nghiên cứu, quy hoạch lại khu công nghiệp Phong Khê, xây dựng lộ trình tiến tới đóng cửa các cơ sở sản xuất giấy nếu không đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định./.