Singapore đã biến nước thải thành nước sạch như thế nào?

Từ hạn chế nước sạch đến thu thập từng giọt nước mưa
Theo dự đoán của các nhà khoa học, 3 tỷ người trên thế giới sẽ thiếu nước sạch vào năm 2025. Bởi vậy, tìm kiếm nguồn nước sạch đang trở thành vấn đề cấp thiết trên toàn cầu.
Là một trong những quốc gia có mật độ đông dân nhất thế giới hiện nay, Singapore đã thực hiện nhiều biện pháp thần kỳ nhằm tái tạo nguồn nước sạch hằng ngày.
Thực tế, 50 năm trước, Singapore đã phải hạn chế dùng nước sạch. Nước từ các con sông thì có mùi và bị tắc nghẽn bởi chất thải từ xưởng đóng tàu, các trang trại lợn và nhà vệ sinh đổ trực tiếp vào dòng chảy.
Thế nhưng, ngày nay, mọi thứ đã trở nên khác biệt. Singapore đã có chính sách sử dụng nước hoàn toàn mới. Họ thu thập nước mưa từ 2/3 diện tích đất đai, tái chế nước thải.
Singapore thu thập nước mưa thông qua một mạng lưới cống dài 8.000 km, dẫn về 17 hồ chứa, đồng thời thu lại nước đã qua sử dụng từ hệ thống đường hầm thoát nước nằm sâu 60 mét dưới mặt đất. Singapore được công nhận là nhà tiên phong toàn cầu trong công nghệ xử lý nước, họ thiết lập hẳn một đơn vị quản lý nước năm 1972.

Tuy nhiên, sự thay đổi khí hậu làm cho các nguồn nước tự nhiên trở nên không đáng tin cậy, đảo quốc sư tử này đang tập trung vào các dự án xử lý nước đã qua sử dụng và khử muối từ nước biển.

Năm 2003, dự án NEWater được giới thiệu. Đây là tên của nguồn nước sạch được xử lý và thanh lọc bằng bộ vi lọc, bằng bộ thẩm thấu và được khử trùng bằng tia cực tím. Đáp ứng được 30% nhu cầu của cả nước, NEWater là nước uống nhưng chủ yếu được sử dụng cho ngành công nghiệp và tích trữ cho mùa khô.

Theo tính toán của Cơ quan Nước quốc gia Singapore (PUB), đến năm 2060, riêng chương trình tái sử dụng nước (NEWater) sẽ đáp ứng được 85% nhu cầu tiêu thụ nước của Singapore.

Singapore hiện đang xây dựng một nhà máy với chương trình thử nghiệm phương pháp khử muối điện hóa, trong đó sử dụng điện trường để tách muối ra khỏi nước biển.

… Và biến nước qua sử dụng thành nước sạch

Từ một đất nước phải mua hầu như tất cả lượng nước sinh hoạt từ Malaysia. Nhưng Singapore đã dần dần tiến tới tự cung tự cấp và xuất khẩu công nghệ “tái chế nước thải thành nước uống cực sạch” để thoát khỏi áp lực liên quan đến vấn đề nước.

“Điều này có nghĩa là người dân Singapore không còn phải lo âu vì vấn đề an ninh nước”, một quan chức phụ trách cung cấp nước tự hào nói. “Thoát khỏi sự phụ thuộc vào Malaysia là ưu tiên hàng đầu của Singapore”.

Singapore tách khỏi liên bang Malaysia từ năm 1965 và có hai thỏa thuận mua nước chưa qua xử lý với nước này – một hết hạn vào năm tới và một sẽ hết hiệu lực vào năm 2061. Singapore tin rằng khi đó, nước này có thể cung cấp mọi nhu cầu nước nếu cần thiết – một tiến bộ vượt bậc trong chiến lược an ninh của họ.

Những chai nước sạch được tái chế từ nước… thải.

“Nhờ nỗ lực không ngừng, chúng ta đã tiến được cả một bước dài trong việc tự cung nguồn nước”, cựu Thủ tướng Singapore Goh Chok Tong tuyên bố. “Cắt giảm sự phụ thuộc vào nước từ Malaysian sẽ giúp giảm căng thẳng vì bất kỳ khi nào có những bất đồng song phương nghiêm trọng, một số chính khách Malaysia lại đưa vấn đề nước ra làm đòn bẩy gây áp lực buộc chúng ta thỏa hiệp theo hướng có lợi cho họ”.
Công nghệ đóng vai trò sống còn trong thành công đầy ấn tượng của Singapore. Công nghệ đã giúp nước này biến điểm yếu của mình thành một cơ hội để không những không phụ thuộc vào nước mà còn kiếm được hàng tỷ USD từ xuất khẩu công nghệ tái chế nước.
Tháng 5/2010, Singapore đã khai trương nhà máy hiện đại nhất và lớn nhất tinh chế nước đã qua sử dụng thành nước cho con người sử dụng và dùng trong các nhà máy. Nước dội toa lét hay dùng trong nhà bếp được thải qua một loạt hệ thống màng loại bỏ những chất bẩn để cho ra sản phẩm cuối cùng là nước đóng nhãn NEWater (nước mới).
Ban đầu, dư luật không phải là không ghê sợ, nhưng giờ thì loại nước này lại được chấp nhận rộng rãi. Nhà máy sản xuất NEWater từ nước thải mới nhất – nhà máy thứ 5 loại này ở Singapore, có thể sản xuất 228.000m3 nước cực sạch một ngày. Số nước này đủ để đổ đầy 90 bể bơi tiêu chuẩn Olympic – Cơ quan Nước Quốc gia tiết lộ. “Tôi uống NEWater hàng ngày”, một lái xe taxi nói. “Nó giống như mọi thứ nước uống khác, tinh khiết và sạch sẽ. Tôi tin là chính phủ đã xử lý nước thải bằng cách tốt nhất để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng”.
Cuối những năm 1960, hệ thống các hồ nước trên toàn bộ quốc đảo bị ô nhiễm nặng, tràn ngập rác, chỉ còn vài hồ nước sạch và toàn bộ nước dùng phải mua của Malaysia.
Chính quyền Singapore quyết định dọn dẹp sạch các hồ chứa, tạo thêm các hồ mới để trữ nước ngọt, sạch và nước mưa, đưa toàn bộ khu vực canh tác nông nghiệp, các trang trại nuôi gia cầm về phía đông. Đến cuối những năm 1980, toàn bộ quy trình làm sạch môi trường nước này hoàn thành.

Khu dñ trï n°Ûc MacRitchie n±m trong v°Ýn quÑc gia vëa là n¡i mÍi ng°Ýi t­p chèo kayak, i bÙ, ch¡y bÙ xung quanh hÓ – ¢nh: Lê Nam

“Điều may mắn của chúng tôi là chỉ có một PUB quản lý toàn bộ những gì liên quan đến nước nên mọi việc đều trơn tru, nhanh chóng” – ông Madhavan, giám đốc bộ phận 3P (People – Public – Private: con người – hạ tầng – tư nhân) thuộc PUB chia sẻ.
Đến nay Singapore đã có 17 hồ chứa nước, hơn 8.000km cống thoát nước mưa dồn về các hồ nước vừa trữ nước vừa điều tiết lượng nước mưa tránh ngập lụt.
Trong các hồ chứa thì hồ chứa nhân tạo Marina với tổng số tiền đầu tư lên đến hơn 226 triệu SGD (khoảng 160 triệu USD) là quan trọng nhất khi tạo nên một cảnh quan thiên nhiên mới, môi trường nước sạch và nâng diện tích vùng giữ nước ngọt của Singapore từ 1/2 lên 2/3 diện tích cả nước.
Singapore vẫn đang mua 250 triệu gallon nước (khoảng 1,14 triệu m3) mỗi ngày, tương đương 60% lượng nước cần thiết, từ sông Johor ở Malaysia.
Thỏa thuận này sẽ kết thúc vào năm 2061 và dự kiến đến khi đó Singapore sẽ tự chủ được 80% lượng nước cần thiết nhờ khử mặn nước biển và xử lý nước thải.

Theo VWSA